Sau lũ lụt Lũ_lụt_miền_Trung_Việt_Nam_tháng_11_năm_1999

Cứu trợ

Trước tình hình lũ lụt lúc bấy giờ, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó là Lê Khả Phiêu cùng nhiều quan chức Việt Nam đã chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt, phát động phong trào ủng hộ khắp cả nước. Các lực lượng quân đội, công an, sinh viên cũng đã vào vùng lũ để giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ngày 12 tháng 11 năm 1999, hơn 2500 tấn gạo do Trung ương cứu trợ đã được tỉnh Thừa Thiên Huế đưa tận tay cho người dân vùng lũ; đồng thời Huế cũng tiếp nhận 553 tấn hàng cứu trợ của các địa phương, tổ chức, cá nhân trong cả nước.[1] Đến ngày 15 tháng 11 cùng năm, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức một hội nghị về khắc phục hậu quả do trận lũ lụt này gây ra tại Huế.[62] Sau hội nghị, ngày 17 tháng 11, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định gửi nhiều loại lương thực, thực phẩm, thuốc men đến các tỉnh bị thiệt hại từ Quảng Bình đến Bình Định; đồng thời cũng hỗ trợ 100 tỷ đồng để hỗ trợ dân sinh; 100 tỷ đồng để khôi phục cơ sở hạ tầng; người dân được cho vay không phải thế chấp để khắc phục hậu quả của đợt lũ.[63] Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là đơn vị phân phối các mặt hàng cứu trợ thiết yếu đến người dân, phối hợp với quân đội dùng trực thăng để làm việc này. Đồng thời, các tình nguyện viên tại Huế đã giúp người dân tiêu hủy các loại động vật bị nhiễm bệnh để phòng tránh dịch bệnh lây lan sau lũ, theo yêu cầu của các cơ quan y tế địa phương.[64][65] Các Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức quyên góp ủng hộ, tổng cộng lên đến hơn nửa triệu đô la Mỹ cho các tỉnh vùng lũ. Đồng thời, họ cũng làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân của trận lụt thế kỷ này.[66] Cuối tháng 12 năm 1999, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã cấp 500 tỷ đồng để cho các ngân hàng thương mại quốc doanh vay nhằm khắc phục hậu quả lũ lụt tại các tỉnh thành miền Trung.[67]

Do thiệt hại từ lũ là rất nghiêm trọng nên Việt Nam đã kêu gọi sự hỗ trợ từ quốc tế. Ngày 11 tháng 11, chính phủ Hoa Kỳ đã gửi lương ăn, thức uống và chăn cùng số tiền hỗ trợ là 450.000 USD đến những gia đình chịu thiệt hại nặng nhất từ trận lũ.[64] Chính phủ Australia cũng đã gửi 400.000 USD thông qua Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế để cứu trợ lương ăn thức uống cho các tỉnh bị thiệt hại.[68] Văn phòng Điều phối nhân đạo Liên Hiệp Quốc đã cung cấp số tiền tổng cộng là 80.000 USD để gửi đến chính quyền các tỉnh chịu ảnh hưởng.[69] Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc đã gửi 31.000 USD cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để cứu trợ trẻ em vùng lũ.[70] Chính phủ Pháp đưa số tiền 50.000 USD đến các tỉnh miền Trung. Chính phủ Nhật Bản đã quyên góp số tiền 9,6 triệu Yên Nhật, còn Anh cũng đã gửi 200.000 USD để cứu trợ cho Việt Nam.[69] Cũng do thiệt hại rất lớn từ trận lũ lụt này, ngày 7 tháng 11 năm 1999, Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã viết thư kêu gọi cứu trợ giáo dân vùng lũ.[71] Cuối tháng 11 năm 1999, Giáo hoàng Gioan Phaolô IITòa Thánh Vatican đã gửi số tiền 100.000 USD thông qua Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn để hỗ trợ giáo dân tại những vùng chịu thiệt hại bởi đợt lũ.[72]

Hệ quả

Ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người đặt tên làng Rồng sau lũ lịch sử năm 1999.

Cơn lũ lụt đầu tháng 11 năm 1999 đã đi vào ký ức khó phai nhòa của nhiều người dân vùng tâm lũ - Thừa Thiên Huế.[7][73][74] Trong cơn lũ lịch sử ấy, đập Hòa Duân và làng chài Hải Thành bị lũ cuốn ra biển.[75] Tháng 12 năm 1999, ngôi làng này được Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng với những người còn sống sót ở đây tổ chức tái thiết thành một ngôi làng mới.[41] Trong một lần thị sát về Huế, Tổng bí thư lúc đó là Lê Khả Phiêu đã đến ngôi làng này và đặt tên cho nó là làng Rồng.[62][76][77] Một số người dân trong ngôi làng này đã lấy ngày 25 tháng 9 âm lịch làm ngày giỗ các nạn nhân đã thiệt mạng trong trận lũ.[41] Cuộc sống của người dân nơi đây cũng đã có phần tốt hơn so với thời điểm diễn ra trận lụt lịch sử.[78]

Trong lần đầu tiên tổ chức Festival Huế vào năm 2000, Ban Tổ chức đã đặt thông điệp Huế - thành phố của nghệ thuật sống. Đây còn được xem là "Festival Hồi sinh" vì được tổ chức sau khi lũ tàn phá Huế năm 1999.[79][80] Cùng năm đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định lấp cửa biển Hòa Duân,[81] khu vực này ngày nay trở thành con đập Hòa Duân dài hơn 600 mét, với đường nhựa rộng 8 mét.[82] Ngày 25 tháng 5 năm 2009, cơ quan này tuyên bố sẽ xóa nợ cho các hộ nghèo bị thiệt hại do trận lũ này gây ra.[83]

Một loài cây có hại tên là mai dương đã phát triển mạnh tại Huế sau lũ lịch sử năm 1999. Sự sinh trưởng ồ ạt của loài cây này đã gây nhiều thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp tại tỉnh này. Năm 2015, Huế đã phát động phong trào diệt cây mai dương.[84] Cũng sau thảm họa thiên tai này, tỉnh đã phát động phong trào trồng rừng ngăn lũ, tuy nhiên tiến độ triển khai phong trào được nhận xét rất mơ hồ.[85]

Tháng 5 năm 2000, nhóm Việt kiều (người Huế) tại bang California, Hoa Kỳ đã thành lập một tổ chức phi chính phủ với tên gọi Hội từ thiện thân hữu Huế (Friends of Hue Foundation, viết tắt FHF[86]), nhằm giúp đỡ và hỗ trợ quê hương khắc phục hậu quả và xây dựng lại đời sống sau đợt lũ lụt lịch sử cuối năm 1999.[87] Kể từ đó đến nay, tổ chức này đã có nhiều hoạt động từ thiện, cải thiện cuộc sống của người dân Huế.[88]

Huỷ bắn pháo hoa đêm giao thừa

Chính phủ Việt Nam gửi thông báo về thiệt hại mưa lũ vào tháng 11 năm 1999, Ngày 22/12/1999, Chính phủ Việt Nam phải huỷ tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán năm 2000 trên cả nước, đồng thời tổ chức màn pháo phụt để chào năm mới Canh Thìn năm 2000. Riêng các chương trình chào đón thiên niên kỷ mới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bắn pháo hoa trong chương trình nghệ thuật Lễ hội đếm ngược Thiên niên kỷ năm 2000 diễn ra tại Công viên Lê Văn Tám, Quận 3.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lũ_lụt_miền_Trung_Việt_Nam_tháng_11_năm_1999 http://ggweather.com/enso/oni.htm http://www.dartmouth.edu/~floods/Archives/1999sum.... http://reliefweb.int/report/viet-nam/australia-ass... http://reliefweb.int/report/viet-nam/dissident-bud... http://reliefweb.int/report/viet-nam/unicef-donate... http://reliefweb.int/report/viet-nam/viet-nam-floo... http://reliefweb.int/report/viet-nam/viet-nam-floo... http://reliefweb.int/sites/reliefweb.int/files/res... http://www.usno.navy.mil/NOOC/nmfc-ph/RSS/jtwc/atc... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/tim-kich-ban...